Cơ chế Receptor.

Phân tử thông tin - Receptor.
Phân tử thông tin – Receptor.

A. RECEPTOR

Tác dụng của phần lớn các thuốc là kết quả của sự tương tác giữa thuốc với receptor(thụ thể). Receptor là một thành phần đại phân tử có bản chất là protein tồn tại một lượng giới hạn trong một số tế bào đích, có thể nhận biết một cách đặc hiệu một hoạt chất sinh học (hormon, chất dẫn truyền thần kinh), hoặc các tác nhân ngoại lai( chất hóa học, thuốc) để gây ra một đáp ứng sinh học đặc hiệu, là kết quả của  tác động tương hỗ đó.

Receptor có hai chức năng:

  • Nhận biết các phân tử hoạt chất sinh học một cách đặc hiệu và gắn các hoạt chất sinh học vào nó theo các liên kết hóa học.
  • Chuyển tác dụng tương hỗ giữa những hoạt chất sinh học vào receptor thành một tín hiệu để gây ra đáp ứng tế bào. 

Như vậy, khi thuốc gắn vào receptor của tế bào thì gây ra được tác dụng sinh lý. NHƯNG,

  • Có thuốc gắn vào tế bào mà không gây ra đáp ứng sinh lý gì. Khi đó, nơi gắn thuốc được gọi là nơi tiếp nhận( acceptor hoặc receptor câm / silent receptor). Như thuốc mê gắn vào mô mỡ.
  • Thuốc gắn vào receptor phụ thuộc vào ái lực của nó với receptor. Hai thuốc có cùng receptor, thuốc nào có ái lực cao hơn sẽ giành được vị trí gắn trước. Như giữa Naloxon và nhóm Opioid. 
  • Khi thuốc gắn vào receptor mà cho ra đáp ứng dược lực được gọi là hiệu lực. Như Adrenalin khi gắn vào thụ thể alpha, beta cho mạch nhanh, huyết áp tăng.
  • Ái lực và hiệu lực không phải lúc nào cũng đi cùng nhau: acetylcholin là chất dẫn truyền thần kinh của hệ phó giao cảm, khi gắn vào receptor M, gây ra hiệu lực làm tăng tiết nước bọt, co đồng tử, chậm nhịp tim,…Atropin có ái lực với receptor M mạnh hơn acetylcholin rất nhiều nên sẽ cạnh tranh với acetylcholin  để gắn vào receptor M. Nhưng bản chất của Atropin lại không có hiệu lực gì sau khi gắn vào receptor M.( Ví như hai người yêu nhau và kết hôn là ái lực, còn sau kết hôn có con là hiệu lực, còn không có con thì không có hiệu lực!). Trên lâm sàng, tác dụng của Atropin thực chất là sự thiếu vắng acetylcholin trên receptor M: khô miệng, giãn đồng tử, tăng nhịp tim,…

B. TÁC DỤNG CỦA THUỐC THÔNG QUA RECEPTOR.

Các hoạt chất sinh học( hocmon, chất dẫn truyền thần kinh) trong cơ thể tác động lên các receptor ở mức sinh lý gây ra đáp ứng đặc hiệu cho từng loại hoạt chất. Thuốc sẽ “bắt chước” cơ chế này để cho tác dụng tương ứng.

  • Một thuốc khi gắn vào receptor gây ra đáp ứng giống như tác dụng của hoạt chất sinh học khi gắn vào receptor thì thuốc đó được gọi là chất đồng vận / agonists.

Ví dụ: Pilocarpin là thuốc giống thần kinh đối giao cảm(acetylcholine / cholinergic) tác dụng trên receptor M: tăng tiết nước bọt, co đồng tử,…

  • Một thuốc khi gắn vào receptor, không gây tác dụng sinh lý giống như hoạt chất sinh học mà chỉ đóng vai trò ngăn cản sự gắn vào của chất hoạt chất sinh học thì được gọi là chất kháng vận / antagonists.

Ví dụ: Thuốc Cimetidine cạnh tranh với histamine tại thụ thể H2 ở tế bào thành ngăn tiết acid ở dạ dày.

  • Một số thuốc, khi vào cơ thể sẽ kích thích để giải phóng các hoạt chất sinh học cho tác dụng điều trị.

Ví dụ: Ephedrine giải phóng Catecholamine( Adrenaline, Nor-adrenaline). Nitrit làm giải phóng NO gây giãn mạch.

MINHHUNG. NGUYEN

www.minhhungnguyen.com

 

¥ Ngoài tác dụng theo phức hợp Thuốc – Receptor. Thuốc còn tác dụng theo hướng khác:

  • Thuốc ức chế enzyme: Captopril là thuốc ức chế enzyme, Captopril chuyển angiotensine I không hoạt tính thành angiotensine II có hoạt tính điều trị hạ huyết áp. Các thuốc kháng viêm không steroid ức chế enzyme cyclo-oxygenase làm giảm tổng hợp prostagladine giúp kháng viêm, giảm đau hạ sốt,…
  • Thuốc hoạt hóa enzyme: các yếu tố vi lượng như Mg²+, Cu²+, Zn²+ hoạt hóa nhiều enzyme proteinkinase, phosphokinase tác dụng lên nhiều chuyển hóa của tế bào.
  • Các ion: thuốc gắn vào các kênh ion, làm thay đổi sự vận chuyển ion qua màng tế bào. Ví dụ: Bupivacine ngăn cản ion Na+ nhập vào tế bào thần kinh làm giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh với ion Na+ nên có tác dụng gây tê. Midazolam làm tăng nhập bào ion Cl‾ nên gây an thần.

MINHHUNG. NGUYEN

error: Content is protected !!